Aikido là môn võ quý tộc ở Nhật Bản mà từ chiến tranh thế giới thứ 2 về trước, chỉ có người của hoàng gia, giới quý tộc mới được luyện tập. Sau này, Aikido mới công khai truyền dạy ngoài dân gian.
Trong khi tập luyện Aikido có thể học được nhiều điều về đạo lý và phép tắc ứng xử trong cuộc sống. Cơ bản của Aikido là nghi thức hành lễ. Khởi đầu là hành lễ với phòng tập, thảm tập, thầy Tổ, Sensei, sempai, đồng môn…, học tập hay đối luyện xong cũng hành lễ với nhau; cuối giờ cũng lặp lại như lúc đầu giờ; cho nên luyện tập Aikido trước sau tối thiểu là phải ít nhất 500 lần hành lễ.
Tự thắng chính mình trong Aikido là điều quan trọng nhất
So với nhiều bộ môn võ thuật khác, Aikido có những ưu thế đặc biệt. Theo đó, phần đông các môn võ khác đều nhắm vào mục đích đánh ngã đối phương, trong khi Aikido lại nhằm vào mục đích tự thắng mình, vì thắng người là dễ và có thể đạt được, chính sự thắng mình- tự hoàn thiện mình mới là khó.
Aikido là môn võ nhưng lại đặt nặng hay đúng hơn nó mang tính chất văn hóa, nó giúp chúng ta rèn luyện và tu dưỡng về mặt tinh thần nhiều hơn là rèn luyện về kỹ thuật.
Điểm đặc biệt nữa của Aikido là nguyên lý vòng cầu. Nguyên lý này hóa giải mọi sự công kích của đối phương, nghĩa là nó có thể áp dụng đủ mọi phương hướng, tránh được sự đối diện xung đột và ngay trong tâm tư cũng không có ý niệm đối kháng.
Điểm khác biệt lớn nhất của Aikido là dùng nguyên lý tĩnh để chế ngự động. Kỹ thuật và nguyên tắc chủ yếu là không đối kháng với lực của đối phương mà thường đưa chiêu thế, công thế của đối phương thâm nhập vào động tác của chính họ rồi hướng vào đó mà chế phục nó.
Cảnh giới trong Aikido
Cảnh giới cao nhất trong binh pháp là không cần chiến đấu mà khuất phục được quân binh của đối phương, quyết định được sự chiến thắng từ nghìn dặm xa. Còn cảnh giới cao nhất trong Aikido là gì?
Trong Aikido, kỹ thuật và phương pháp dù biến hóa nhiều nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề KHÍ. Khí vốn là cội rễ nguồn gốc của sự sống con người, hay nói cách khác khí là bản thể của vũ trụ.
Dựa vào kỹ pháp luyện tập để cho khí lực phát sinh dồi dào sống động, tiến lên một bậc nữa, Aikido đỏi hỏi phải thống nhất ba yếu tố: tâm, khí, thể. Để rồi ba yếu tố đó hợp nhất với khí vũ trụ làm một và đạt đến trạng thái: “Ngô tâm tức vũ trụ, vũ trụ tức ngô tâm (tạm gọi là: tâm ta là vũ trụ, mà vũ trụ cũng là tâm ta). Thoạt nghe, Aikido có vẻ hơi giống Thiền. Có lẽ không quá khi nói Aikido là Thiền, có điều nó mang tính chất động, khác với Thiền có tính chất tĩnh.
Tóm lại, Aikido mang tính chất hòa bình, phát triển cơ thể nhưng lại khai sáng tinh thần đạo lý, đang được phổ biến rộng rãi trong đời sống ngày nay.